Trung Quốc với mực nước trên các sông lớn như Dương Tử (Trường Giang) và Hoàng Hà vượt xa mức cảnh báo

Tân Hoa xã ngày 22.8 dẫn lời Thứ trưởng Bộ Tình trạng khẩn cấp Trung Quốc Chu Học Văn nói rằng mùa lũ chính tại Trung Quốc sẽ kéo dài đến cuối tháng 9 và giai đoạn kế tiếp có thể gây thiệt hại đáng kể. Từ tháng 6, lũ lụt hoành hành tại nhiều vùng ở Trung Quốc với mực nước trên các sông lớn như Dương Tử (Trường Giang) và Hoàng Hà vượt xa mức cảnh báo. Hơn 63 triệu người bị ảnh hưởng và thiệt hại kinh tế trực tiếp ước tính gần 26 tỉ USD. Hồi giữa tuần, Chủ tịch Tập Cận Bình có chuyến thị sát tình hình tại tỉnh An Huy, trong khi Thủ tướng Lý Khắc Cường đến TP.Trùng Khánh và tỉnh Tứ Xuyên. Theo tờ Nikkei Asian Review, việc hai lãnh đạo Trung Quốc trong lần hiếm hoi rời khỏi Bắc Kinh cùng lúc đi công tác trong nước cho thấy mức độ nghiêm trọng của mùa mưa lũ này.
Thiệt hại từ đợt lũ đặt dấu hỏi lớn cho sự phát triển của các vùng đô thị dọc lưu vực sông Dương Tử, là nơi sinh sống của 1/3 dân số Trung Quốc và chiếm khoảng 40% GDP cả nước, theo Viện Tài nguyên thế giới (Mỹ). TP.Trùng Khánh ở thượng nguồn sông Dương Tử tuần này hứng đợt lũ thứ 5 từ đầu mùa và đỉnh lũ đo được ngày 20.8 lên mức kỷ lục 191,5 m, khiến 250.000 dân phải sơ tán. Tại đập Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất thế giới nằm ở khúc giữa của sông Dương Tử, mực nước đạt ngưỡng kỷ lục kể từ khi hồ chứa của đập bắt đầu trữ nước vào năm 2003. Vào mùa mưa, mực nước trong hồ được giảm xuống 145 m nhằm kiểm soát lũ hiệu quả nhưng mực nước đã lên đến 165 m. Lượng nước đổ về con đập ngày 20.8 là 75.000 m3/giây và giảm bớt 5% trong ngày 21.8, nhưng mực nước trong hồ chứa vẫn tăng lên vì lượng nước xả ra được hạn chế nhằm ngăn lũ lụt ở hạ nguồn. Cơ quan khí tượng dự báo mưa lớn có thể tiếp tục trút xuống lưu vực sông Dương Tử trong ngày 23.8, do đó nhà chức trách Trung Quốc đang giữ cảnh giác cao độ. Gánh nặng ngày càng gia tăng lên đập Tam Hiệp làm dấy lên lo ngại về một thảm họa tiềm tàng ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người ở hạ nguồn.