Mỹ đau đầu vì "bom hẹn giờ" siêu lợn rừng bắn mãi không hết

 

Mỹ đau đầu vì "bom hẹn giờ" siêu lợn rừng bắn mãi không hết


Mỹ đang ngồi trên “quả bom hẹn giờ” mang tên siêu lợn rừng khi số lợn rừng hoang dã tại xứ cờ hoa phá phách khủng khiếp và sinh đẻ ngày càng mạnh, theo các chuyên gia.

Tiến sĩ Jack Mayer – chuyên gia động vật học, đã dành 40 năm nghiên cứu về lợn rừng – cho rằng, quần thể lợn rừng ở Mỹ đang tăng với số lượng “không thể giải quyết nổi, trừ khi có dịch cúm lợn xảy ra và giết chết chúng”.

“Tình hình hiện tại phải nói là ‘điên rồ’. Mỹ đang ngồi trên trái bom lợn rừng chực chờ nổ. Tình trạng nóng lên toàn cầu khiến số lợn rừng con phát triển mạnh mẽ. Thức ăn cho chúng như rau củ quả, rễ cây, trái cây cũng nở rộ. Tôi phải gọi lợn rừng ở Mỹ hiện tại là siêu lợn rừng. Chúng sinh đẻ quá mạnh. Mới 3 tháng tuổi đã đẻ và chúng sinh lứa lợn mới 2 lần trong năm”, ông Jack Mayer lo ngại.

Ở các bang California và Texas, chính quyền đang khuyến khích người dân vác súng vào rừng săn bắn lợn rừng như thú vui nhằm làm giảm quần thể lợn đang quá đông đúc. Tuy nhiên, việc vào rừng và đối mặt với những con lợn hung dữ, nặng từ 300 – 500 cân với nanh dài sắc nhọn là điều mà không phải ai cũng dám làm.

Khắp nước Mỹ có khoảng 9 triệu con lợn rừng hoang dã. Mỗi năm, lợn rừng chiếm thêm khoảng 70.000 km vuông diện tích đất.

Theo các chuyên gia, ngay cả khi 3/4 số lợn rừng Mỹ bị chết. Chỉ trong vòng 3 năm, số lợn rừng sẽ lại phục hồi nguyên vẹn do tốc độ sinh sản mạnh mẽ.

Tôi gọi đây là quả bom lợn rừng. Chúng sinh đẻ quá nhanh. Từ một triệu con có thể lên tới 4 triệu rồi 8 triệu con lợn rừng trong thời gian ngắn”, Dale Nolte – quan chức thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ – nhận xét.

Ước tính, mỗi năm Mỹ thiệt hại khoảng 2,5 tỷ USD do lợn rừng phá phách mùa màng, tấn công vật nuôi, thậm chí cả người. Lợn rừng cũng mang nhiều mầm bệnh do vi khuẩn và ký sinh trùng gây ra.

“Chúng tôi gọi chúng là siêu lợn rừng vì tốc độ sinh sản. Mỗi con siêu lợn rừng có thể đẻ được 10 lứa trước khi bị bắn hay quá già. Số lợn rừng có thể nhiều hơn số người ở những vùng thưa dân”, Ryan Brook – chuyên gia sinh vật tại Đại học Saskatchewan – nói.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, họ đang nỗ lực phối hợp với Canada để hạn chế sự gia tăng của quần thể lợn rừng.

Một số trang web và đường dây nóng được lập để người dân thông báo cho chính quyền nếu thấy lợn rừng xuất hiện gần nhà. Một đội thợ săn sẽ tới và săn lợn rừng, tránh việc lũ lợn phá hoại nhà dân.